Cô giáo làng đầu tư tiền tỷ đưa giấm vải xuất ngoại

Nhờ các mối quen, qua giới thiệu, không lâu sau đó, các sản phẩm giấm trái vải đã ra khỏi địa phận Bắc Giang, đến một số địa phương lân cận, trong đó có Hà Nội. “Khách hàng dùng phản hồi tốt. Một số đại lý tại chợ Đồng Xuân đặt mua vài chục thùng, với tôi khi đó là cả niềm hạnh phúc”, chị Ngân chia sẻ.

Nhiều năm chứng kiến cảnh vải thiều rớt giá do phụ thuộc thương lái Trung Quốc, cô giáo Bạch Kim Ngân tự mày mò và lên men thành công .

Chị Bạch Kim Ngân sinh năm 1972 là giáo viên môn hóa trường THCS thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang). Dù không sinh ra tại vùng đất vải thiều, nhưng nhiều năm gắn bó, chị thấu hiểu sự khó nhọc của người trồng vải khi loại nông sản này liên tục rơi vào cảnh rớt giá do phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.

“Có không ít năm vải thậm chí còn đổ bỏ, khi đó tôi luôn nghĩ phải làm gì đó để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này. Chưa thể tiêu thụ số lượng lớn nhưng ít nhất không để lãng phí đặc sản của vùng trồng”, chị kể.

Ngoài thời gian giảng dạy, chị Ngân bắt đầu tìm hiểu kiến thức về các phụ phẩm chiết xuất từ trái cây, trong đó, chị hứng thú việc lên men giấm từ các loại quả tươi. Theo chị, hiện trên thị trường có nhiều loại giấm, nhưng việc sản xuất công nghiệp khiến sản phẩm không đủ chất dinh dưỡng, độ axit cao, chưa kể nhiều sản phẩm trôi nổi pha chế thêm phụ gia có hại cho sức khỏe. Với giấm lên men tự nhiên, thành phần chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao, song giá thành khá đắt.

Năm 2013, khi vải bắt đầu vào vụ thu hoạch, cô giáo Ngân mua vài sọt vải, tự bóc, nghiền và ngâm ủ thử. Sau một thời gian, dung dịch bắt đầu lên men cho mùi vị thơm ngon. Ngoài dùng để chế biến một số món ăn cho gia đình, số còn lại chị đem biếu người thân, bạn bè và nhận phản hồi khá tốt. Vẫn chưa thực sự tin tưởng quy trình lẫn chất lượng sản phẩm, chị quyết định đem mẫu giấm đi kiểm tra, và kết quả đạt tiêu chuẩn.

co-giao-lang-dau-tu-tien-ty-dua-giam-vai-xuat-ngoai

Chị Kim Ngân (thứ 3 từ phải) cho biết năm nay sản phẩm giấm vải sẽ được xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.

Tháng 6/2014, chị thuê 30 nhân công để bóc khoảng 30 tấn vải. Sau 6 tháng ngâm ủ, mẻ giấm số lượng lớn đầu tiên thành công. Song, lúc này chị vẫn chưa có kế hoạch đầu tư mở xưởng bởi không biết tìm đầu ra cho sản phẩm như thế nào.

“Khi thuê nhân công làm, tôi chỉ nghĩ đơn giản họ làm đủ sản lượng tôi sẽ trả tiền và không thuê nữa. Nhưng nhiều người tha thiết muốn được tiếp tục làm việc, nói muốn thấy giấm vải được bán nhiều hơn trên thị trường. Họ đã khiến tôi nghĩ lại”, chị Ngân bộc bạch.

Ngoài số tiền tiết kiệm, chị vay mượn thêm tổng cộng khoảng 1,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng, thu mua nguyên liệu, mua thùng chứa, in bao bì nhãn mác. Tuy nhiên, do trong nước không có nhiều cơ sở sản xuất giấm tự nhiên, trong đó, chị là người đầu tiên dùng nguyên liệu quả vải, dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm các máy móc thiết bị thanh trùng.

Để chủ động, chị Ngân đã nhờ chế tạo máy móc cho phù hợp với quy trình sản xuất. Ngoài ra, do vụ vải diễn ra khá ngắn, khó chủ động nguyên liệu, tranh thủ vải chính vụ chị thuê khá nhiều nhân công để bóc và tích trữ đủ nguyên liệu cho cả năm sản xuất. Điều này, ít nhiều đội chi phí sản xuất lên.

Song, theo chị khó khăn lớn nhất vẫn là khâu thị trường. Vốn là giáo viên, chị Ngân không có kiến thức về marketing cũng như quản lý, điều hành. Thời gian đầu, do thiếu nhân viên, nhiều đồng nghiệp đã tranh thủ kỳ nghỉ hè để hỗ trợ chị đưa sản phẩm đến các chợ và cửa hàng tạp hóa trong vùng rao bán hoặc ký gửi.

Vốn chỉ được xem là thứ gia vị, lại không có thói quen sử dụng giấm trái cây như một thứ đồ uống giải nhiệt, nên khi sản phẩm không ít người tỏ ra hồ nghi. “Nếu bán được thì họ cũng mua với số lượng rất ít, nên làm thị trường với tôi là giai đoạn rất mệt mỏi”, nữ giám đốc cho hay.

Nhờ các mối quen, qua giới thiệu, không lâu sau đó, các sản phẩm giấm trái vải đã ra khỏi địa phận Bắc Giang, đến một số địa phương lân cận, trong đó có Hà Nội. “Khách hàng dùng phản hồi tốt. Một số đại lý tại chợ Đồng Xuân đặt mua vài chục thùng, với tôi khi đó là cả niềm hạnh phúc”, chị Ngân chia sẻ.

Ngoài vải thiều, chị cũng thử nghiệm ngâm ủ một số loại quả khác gồm: xoài, nho, táo…, nhưng thành công nhất là với táo xanh của đất Lục Ngạn. Đầu năm 2015, cơ sở chính thức đưa ra thị trường thêm loại giấm táo.

Sau 2 năm , hiện xưởng của chị Ngân có quy mô hơn 1.000m2, trung bình mỗi tháng sản xuất 10.000-15.000 lít giấm. Sản phẩm đã có mặt tại hầu khắp các địa phương cả nước thông qua các nhà phân phối chính thức là các đại lý và siêu thị. Qua đường tiểu ngạch, sản phẩm được xuất khẩu sang một số quốc gia.

“Vừa qua tôi gửi một lô hàng sang Australia và Philippines, vừa làm quà tặng vừa làm mẫu chào hàng để tìm đối tác tại các thị trường này”, chị cho biết.

Dù doanh thu hiện vẫn chưa đủ bù chi, song nữ giám đốc 43 tuổi cho rằng vì vẫn đang trong giai đoạn khởi nghiệp nên chưa thể đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Xuất phát từ mong muốn tạo ra sản phẩm mới để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của vùng vải, chị cho biết cảm thấy hài lòng vì đã đi đúng hướng.

Chia sẻ kế hoạch sắp tới, chị Ngân cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để cho ra các dòng sản phẩm đóng chai thủy tinh cao cấp. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài trong năm nay.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *